HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2015): Miền Nam trong trái tim Người
Ngày đăng 19/05/2015 | 08:18  | Lượt xem: 677

(HNM) - Bác nhớ miền Nam: nỗi nhớ Nhà. Miền Nam mong Bác: nỗi mong Cha. Miền Nam luôn trong trái tim Người. Những năm tháng trước khi Người đi xa, Bác vẫn đi bộ, tập leo dốc. Bác kiên trì rèn luyện để thực hiện ý định vào thăm đồng bào, đồng chí miền Nam. Bác còn viết thư cho đồng chí Lê Duẩn đề nghị sửa một chữ trong Nghị quyết của Bộ Chính trị là để Bác vào miền Nam từ “sau” thành “trước” ngày thắng lợi hoàn toàn...

(HNM) - Bác nhớ miền Nam: nỗi nhớ Nhà. Miền Nam mong Bác: nỗi mong Cha. Miền Nam luôn trong trái tim Người. Những năm tháng trước khi Người đi xa, Bác vẫn đi bộ, tập leo dốc. Bác kiên trì rèn luyện để thực hiện ý định vào thăm đồng bào, đồng chí miền Nam. Bác còn viết thư cho đồng chí Lê Duẩn đề nghị sửa một chữ trong Nghị quyết của Bộ Chính trị là để Bác vào miền Nam từ “sau” thành “trước” ngày thắng lợi hoàn toàn...

Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam.Ảnh tư liệu

Ước nguyện lúc cuối đời của Bác không thực hiện được vì sức khỏe của Bác ngày càng giảm. Tuy đã mệt phải nằm trên giường bệnh, nhưng cứ sau cơn mệt nặng, lúc tỉnh lại thì câu đầu tiên của Bác hỏi là: Hôm nay đồng bào miền Nam đã thắng đến đâu? Và Bác vẫn yêu cầu được nghe tin tức, đặc biệt là tin về miền Nam và những tin quan trọng trên thế giới. Tại khu nhà sàn của Bác, có cây vú sữa và hai cây dừa giống từ miền Nam gửi ra và được Bác luôn chăm sóc theo cách đặc biệt của mình làm cho hai cây lớn đều. Hôm đó, Bác mệt nặng hơn, Người yêu cầu các giáo sư, bác sĩ cho uống nước dừa. Các đồng chí phục vụ đã lấy dừa và dâng lên Bác một cốc nước dừa với hai miếng cùi. Bác đã nhấp được một chút nước dừa để mang theo mình chút nước ngọt mát và ấm lành của miền Nam trước khi từ biệt thế giới này...

Các đồng chí gần gũi Bác kể lại: “Trước lúc đi xa, Bác muốn được nghe một câu hò ví dặm quê hương mà từ thuở ấu thơ, Bác đã được thân mẫu Hoàng Thị Loan hát ru, nhưng không một ai trong phòng có thể hát cho Bác. Sau đó Bác lại muốn nghe một câu hò xứ Huế, nơi có thời kỳ song thân của Người sống và thân mẫu của Người đã mất tại đây và hiện đang chịu bao đau thương cùng miền Nam... Lần thứ ba, Bác muốn được nghe làn điệu quan họ của vùng Kinh Bắc và may sao một cô y tá đã đáp ứng được yêu cầu của Người. Khi tiếng hát quan họ ngân lên Người ơi, người ở đừng về... thì cả căn phòng “xao động trong nước mắt” vì quá thương Bác! Nhạc sĩ Trần Hoàn khi nghe chuyện này rất xúc động và sáng tác nhạc phẩm: Lời Bác dặn trước lúc đi xa - một trong những bài hát hay nhất về Người: Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ... nhưng không gian vẫn bốn bề lặng lẽ... Bác nhìn em chờ mãi không thôi... Khi tiếng hát tuyệt vời của Thanh Hoa thể hiện bài này vang lên, không ai có thể cầm nổi nước mắt vì thương Bác biết bao nhiêu!
Dũng sĩ diệt Mỹ ở tuổi thiếu niên Hồ Thị Thu kể: “Khi được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, các chú giải phóng thưởng huy hiệu Bác Hồ - phần thưởng “vô cùng cao quý” mà “cháu ngày đêm giở ra xem vẫn không thấy chán!”. Khi được ra Bắc và lần đầu tiên được gặp Bác, Hồ Thị Thu đã không nói lên lời! Bác hỏi: “- Cháu học lớp mấy rồi?” và khi được nghe: “Cháu chưa biết chữ....”, “Bác rơm rớm nước mắt” và cháu “nước mắt cứ giàn giụa”. Bác kéo cháu lại gần, Bác sửa vành mũ tai bèo cháu và xúc động nói: “- Rồi cháu sẽ được đi học”. Hồ Thị Thu thưa với Bác Hồ: “... không sợ gian khổ, không sợ chết, mà chỉ sợ có một điều...”. Bác hỏi: “- Cháu sợ điều gì?”, “... Chúng cháu chỉ sợ bị mù hai con mắt, sau này sẽ không được nhìn thấy Bác!”. “Nghe cháu nói, Bác cảm động chớp chớp mắt rồi kéo cháu vào lòng...”. Một lần Hồ Thị Thu lại được cùng các bạn dũng sĩ miền Nam vào thăm và chúc Tết Bác Hồ. Có cả đoàn đại biểu Cuba đến thăm Bác. Một cô nhà báo trong đoàn nói với Bác Hồ: “Thưa Bác, ở bên Bác, sống trong tình cảm của Bác thì người già sẽ trẻ lại, các cháu sẽ lớn lên rất nhanh” và cháu Thu không thể nào ngờ đó lại là mùa xuân cuối cùng được gặp Bác!
Trong cuộc đời mình, Người đã dành nhiều nước mắt nhất để khóc riêng cho miền Nam: Bác ơi!Đời Bác muốn chẳng ai phải khóc/Nên Bác bao lần đã khóc miền Nam. Năm 1963, Bác gặp đoàn anh hùng dũng sĩ miền Nam. Ngay khi thấy Bác, cả đoàn reo lên: “Bác, Bác, Bác ơi! Chúng cháu nhớ Bác quá, đồng bào miền Nam nhớ Bác quá!”. Cả đoàn đều khóc vì sung sướng và vây quanh bên Bác như những người con quây quần bên cha. Mắt ngấn lệ, Người nói: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam!”. Nghệ sĩ Diệp Minh Châu, “Sau khi nghe lời Tuyên ngôn độc lập của Cha... Con cảm xúc vô cùng và vừa khóc con vừa cắt lấy dòng máu trong cánh tay niên thiếu của con để vẽ hình Cha và hình ba em nhỏ Trung, Nam, Bắc”. Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trong phút giây thiêng trước làn đạn quân thù đã gọi Bác ba lần! Tháng 3-1969, Bác gặp đồng chí Huỳnh Thị Kiểu, nữ du kích Quảng Nam bị địch bắt tra tấn, chặt một chân. Khi Bác bước vào, Kiểu bỏ nạng chạy lại bên Bác. Thấy Kiểu chệnh choạng, Bác bước lên, Kiểu sà vào lòng Bác và khóc. Khi địch chặt chân chị, chị không hề chảy nước mắt, bây giờ gặp Bác, chị lại khóc, nước mắt chị thấm đẫm vai Bác...
Với đồng bào Nam Bộ, nỗi đau sâu xa nhất và lâu nhất cho đến tận ngày nay là Bác mất mà không được một lần đón Bác: Chưa gặp Bác, Bác mất rồi/Con đành chẳng trọn làm người Việt Nam/Đầm đìa mưa ướt Sài Gòn/Trời như chia sẻ nỗi buồn mất Cha... (Vĩnh biệt Bác - Hưởng Triều). Từ ngày đất nước giải phóng, đồng bào Nam Bộ đã đến Thủ đô và vào lăng viếng Bác. Mỗi người vào thăm đều có một tình cảm riêng, nhưng bao trùm lên hết thảy là tình thương mênh mông của những người con ở phương Nam với Bác: Thân thương bộ áo bạc màu/Đây chòm râu, nọ trán cao nghìn trùng/Vòng tay khép, dáng khiêm cung/Vành môi như muốn nhủ cùng miền Nam (Viếng Bác - Hưởng Triều). Trong nỗi đau thương, những người con trung hiếu miền Nam ước mơ được sống mãi bên cạnh Cha già kính yêu của dân tộc: Mai về miền Nam thương trào nước mắt!/Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác/Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây/Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này (Viếng lăng Bác - Viễn Phương).
Nhà thơ Thanh Hải có mặt trong đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (10-1962) và “vinh dự lớn nhất” là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông dâng lên Bác tập thơ của anh Trọng Tuyển chép bằng tay. Trước khi hy sinh, anh Tuyển có một ước mơ duy nhất là được kính tặng Người. Bác cầm tập thơ lặng đi một lúc... Khi GS. Nguyễn Văn Hiếu dâng lên Bác tặng phẩm của đồng bào miền Nam, Người đưa tay lên trái tim và nói: “- Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này”. Nghỉ một chút, Bác nói: “- Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Nhà thơ Thanh Hải còn kể: Khi đến thăm kỳ họp của Quốc hội, Bác kéo ông đến gần rồi và bảo ngâm cho Bác nghe một bài thơ. Ông quá xúc động nhưng bỗng nhớ ra: “Bên bến Ô Lâu”! Ngâm đến câu: Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn thì quên mất đoạn sau. “Bác thấy tôi quên, liền ôm tôi hôn: “- Đấy, hôm nay Bác hôn thật đấy!”. Trời ơi, tôi sướng quá” và may sao một nhà nhiếp ảnh đã kịp ghi lại phút thiêng liêng đó và mãi sau này ông vẫn thấy “như còn ấm hơi Bác”. Bác Hồ ôm hôn GS Nguyễn Văn Hiếu và nhà thơ Thanh Hải, nhưng chính là Người đã ôm hôn cả miền Nam!
Khi Bác được Quốc hội trao tấm huân chương cao quý nhất của Việt Nam: Huân chương Sao vàng, Bác đã nói: Để đến ngày thống nhất, đồng bào miền Nam sẽ trao cho Bác. Tấm lòng của Bác với miền Nam thật đẹp và cảm động làm sao!
Hình ảnh Bác Hồ kính yêu luôn khắc sâu vào tâm khảm của mỗi người dân thành phố mang tên Bác, trong lòng đồng bào miền Nam để thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người, phát huy sức mạnh vô địch của khối đoàn kết toàn dân, tất cả vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh - như mong ước cuối cùng của Bác kính yêu - trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.

BẢN ĐỒ SỐ