TIN TỨC - SỰ KIỆN
(NTL) Sáng ngày 25/5, tại Bảo tàng Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025 đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai, thực hiện Chương trình 06 thời gian qua, đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình từ nay đến năm 2025.
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 Nguyễn Văn Phong cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ và các sở, ngành Thành phố.
Đại biểu quận Nam Từ Liêm dự hội nghị có Đồng chí Lâm Quang Thao – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, đồng chí Đỗ Khắc Đạo – UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị quận cùng lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong thời gian qua, việc triển khai Chương trình 06/CTr-TU đã được tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm. Ban Chỉ đạo Chương trình đã ban hành hệ thống văn bản làm căn cứ pháp lý để tổ chức thực hiện Chương trình. Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo và các quận, huyện, thị xã đã chủ động xây dựng đề án, dự án, kế hoạch tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình tại địa phương, đơn vị.
Giai đoạn 2021-2025, Chương trình 06 đề ra 18 chỉ tiêu cụ thể thuộc 7 nhóm nội dung chuyên đề. Đến quý I-2023 đã cơ bản hoàn thành, tiêu biểu như các nhóm chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; phát triển thể thao; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản; giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm… Ngoài ra, Hà Nội đã hoàn thành 17 nghị quyết chuyên đề, trong đó điểm nổi bật, tạo nên sự đột phá, bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người đó là Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó xác định mục tiêu mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố với nền tảng là văn hóa và sáng tạo.
Chất lượng giáo dục được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học; khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước của ngành GD-ĐT Thủ đô trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, với 125 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; giành 63 huy chương, giải thưởng tại các kỳ thi cấp quốc tế.
Ở lĩnh vực du lịch, thành phố vinh dự được đề cử và nhận giải thưởng: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022 do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao tặng…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định: Các nội dung trong chương trình rất rõ, nhưng cần chú trọng hơn về mặt thể chế. Thời gian tới, Quốc hội sẽ cho phép sửa đổi Luật Thủ đô. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cơ quan soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nghiên cứu sâu sắc những nội hàm về văn hóa và cơ sở về văn hóa để biến thành công cụ pháp luật, các điều luật để nhằm huy động được các nguồn lực phát triển cho lĩnh vực văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến...
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình đã tạo chuyển biến từ thành phố đến cơ sở trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động cụ thể hóa chủ trương, xây dựng mô hình văn hóa sáng tạo, phát huy một cách hiệu quả, đóng góp quan trọng vào phát triển hoạt động dịch vụ, thúc đẩy du lịch phát triển song song với việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bước đầu, thành phố huy động được các nguồn lực từ xã hội trong phát triển văn hóa, hợp tác quốc tế, công tác thể thao được nâng lên ở tầm cao mới...Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng, đây là kết quả bước đầu và Hà Nội cần phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn.
Thanh Hải